Đó là nhận định của TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng Đào tạo ĐHQG-HCM, trong hội thảo “Bảo đảm chất lượng bên trong giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững” do ĐHQG-HCM tổ chức tại Nhà Điều hành ĐHQG-HCM vào sáng 16/8. GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM, đã đến dự.
TS Nguyễn Quốc Chính cho biết bảo đảm chất lượng (BĐCL) là hoạt động nhằm gia tăng trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) trước xã hội. Việc giải trình này giúp các bên liên quan hiểu được những yêu cầu tối thiểu, cốt lõi mà các chương trình đào tạo (CTĐT) cần phải đáp ứng; cung cấp được minh chứng người tốt nghiệp đạt những chuẩn đầu ra như thế nào…
Ông Chính nhấn mạnh: “ĐHQG-HCM là một trong những cơ sở GDĐH đầu tiên của Việt Nam tiếp cận hệ thống BĐCL của thế giới. Trước khi hệ thống BĐCL quốc gia bắt đầu vận hành, ĐHQG-HCM, ĐHQG Hà Nội và ĐH Cần Thơ đã tham gia vào tổ chức AUN-QA từ đầu những năm 2000”.
Trong thời gian tới, ĐHQG-HCM sẽ triển khai nhiều hoạt động BĐCL để thích ứng với các xu hướng phát triển mới trong lĩnh vực BĐCL giáo dục. Cụ thể, trong 6 tháng cuối năm 2024, Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng Đào tạo sẽ hoàn thiện đề án “Phát triển hệ thống BĐCL giáo dục tại ĐHQG-HCM giai đoạn 2025-2030” và thống nhất việc triển khai Thông tư 01/2024 của Bộ GD&ĐT về ban hành Chuẩn cơ sở GDĐH đồng bộ giữa ĐHQG-HCM và các đơn vị thành viên.
ĐHQG-HCM sẽ điều chỉnh Quy chế BĐCL giáo dục ĐHQG-HCM theo hướng cụ thể, mang tính định lượng; Xây dựng bộ chỉ số giám sát chất lượng CTĐT và cơ sở giáo dục; Thống nhất quy trình thu thập dữ liệu BĐCL; Xây dựng Báo cáo chất lượng thường niên và các tài liệu BĐCL như hướng dẫn hoạt động theo vết sinh viên tốt nghiệp; thiết kế và đo lường chuẩn đầu ra…
Tại hội thảo, các đại biểu còn lắng nghe các báo cáo về công tác BĐCL, gồm: Thu thập, quản lý thông tin về tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp tại ĐHQG-HCM (TS Lưu Trung Thủy - Trưởng ban Ban Công tác Sinh viên ĐHQG-HCM); Đánh giá chuẩn đầu ra CTĐT bằng phương pháp trực tiếp và gián tiếp tại Trường ĐH Bách Khoa (ThS Ngô Kim Chi, Phòng Khảo thí và Bảo đảm chất lượng, Trường ĐH Bách Khoa).
Hội thảo nhằm chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn giữa các cơ sở GDĐH trong công tác BĐCL; thảo luận về những thuận lợi, khó khăn và các giải pháp cụ thể để triển khai hiệu quả công tác quan trọng này. Trong đó, hội thảo đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của hoạt động thu thập ý kiến phản hồi của người học sau khi tốt nghiệp và các phương thức đánh giá chuẩn đầu ra của CTĐT.
TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng Đào tạo ĐHQG-HCM, phát biểu khai mạc hội thảo.