Đó là mong muốn lớn nhất và cũng là thông điệp mà PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG-HCM gửi đến hơn 70 viên chức đại diện bộ phận phụ trách công tác truyền thông của các đơn vị thành viên, trực thuộc tại Chương trình Tập huấn công tác truyền thông ĐHQG-HCM năm 2024 do ĐHQG-HCM tổ chức tại Nhà điều hành ĐHQG-HCM vào sáng 21/8/2024.
Để chuẩn bị cho buổi tập huấn, PGS.TS Vũ Hải Quân đã đề nghị học viên thực hiện khảo sát phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của công tác truyền thông tại ĐHQG-HCM và các đơn vị, từ đó đề xuất các giải pháp cho hoạt động truyền thông.
PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết mong muốn lớn nhất của ông về công tác truyền thông của ĐHQG-HCM và các đơn vị trong hệ thống là làm thế nào để thu hút được học sinh giỏi nhất, giảng viên xuất sắc nhất đến học tập và làm việc tại ĐHQG-HCM.
Để thực hiện được mục tiêu này, đội ngũ nhân sự làm truyền thông cần phải hiểu được hai mối quan tâm lớn nhất của phụ huynh, học sinh: đó là cơ hội việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp; tiếp đó là môi trường học tập và sinh hoạt của sinh viên có an toàn không. Ông cũng lưu ý khi đọc báo cáo thống kê, người làm truyền thông phải hiểu đúng, đủ, tường tận các con số để cung cấp thông tin đúng đến phụ huynh, học sinh.
Tại buổi tập huấn, các học viên còn lắng nghe hai báo cáo chuyên đề về Rủi ro và xử lý khủng hoảng truyền thông mạng xã hội (nhà báo Nguyễn Trọng Phước, Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng ban Ban Giáo dục kiêm phụ trách Trung tâm sản xuất và phát triển nội dung số báo Thanh Niên) và Xây dựng hình ảnh thương hiệu trường đại học (PGS.TS Võ Thị Ngọc Thuý, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen).
Nhà báo Nguyễn Trọng Phước đã chia sẻ cách thức quản trị rủi ro và quy trình xử lý khủng hoảng truyền thông trên mạng xã hội. Theo ông Phước, đứng trước khủng hoảng, điều quan trọng là phải chấp nhận đối diện với khủng hoảng và sẵn sàng nói lời xin lỗi thật sớm nếu thực sự có sai sót để tránh khủng hoảng lan rộng hơn. Đối với nguyên tắc xử lý khủng hoảng, ông Phước cho rằng cần thực hiện 3 nguyên tắc. Đầu tiên là việc xử lý khủng hoảng cần tuân theo thứ tự ưu tiên, gồm giải quyết trong nội bộ, giải quyết dư luận rồi mới giải quyết với cấp trên. Tiếp đến là dập lửa từ gốc, tức khủng hoảng từ đâu (Facebook, YouTube hay TikTok) sẽ ưu tiên giải quyết ở đó. Cuối cùng là lên tiếng đúng lúc. Việc cung cấp thông tin chính thức cho báo chí và dư luận xã hội cần đầy đủ thông tin và nhất quán.
Từ kinh nghiệm xây dựng thương hiệu của Trường ĐH Hoa Sen, PGS.TS Võ Thị Ngọc Thuý cho biết mục tiêu cuối cùng của việc xây dựng thương hiệu là phục vụ cho công tác tuyển sinh. Do đó, Trường ĐH Hoa Sen chú trọng xây dựng 5 giá trị cốt lõi khi trở thành sinh viên của trường, đó là Tiêu chuẩn quốc tế, Tôn trọng khác biệt, Tinh thần doanh chủ, Tinh thần khai phóng, Thực học - Thực làm, Trải nghiệm sống động. Đồng thời, việc xây dựng thương hiệu còn dựa trên nguyên tắc “Thông - Thuận - Thương”, nhấn mạnh đến sự thông hiểu và đồng thuận của giảng viên và sinh viên với lãnh đạo nhà trường.
Diệp Lý Nguyên, chuyên viên Phòng Truyền thông và Quan hệ Doanh nghiệp, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn chia sẻ: “Buổi tập huấn mang lại cho mình rất nhiều kiến thức bổ ích, nhất là phần hướng dẫn của Giám đốc ĐHQG-HCM trong cách đặt các câu hỏi cho mọi người cùng thảo luận về các vấn đề truyền thông của ĐHQG-HCM. Qua buổi tập huấn này, mình đã hiểu thêm về mục tiêu truyền thông chung của ĐHQG-HCM. Đây là định hướng rất quan trọng cho công tác truyền thông của các đơn vị trong hệ thống’.
Nguyễn Thị Như Quỳnh, chuyên viên Phòng Quản trị Thương hiệu - Truyền thông, Trường ĐH Bách khoa, cho biết bản thân cảm thấy rất ấn tượng về phần hướng dẫn của PGS.TS Vũ Hải Quân và biết thêm được nhiều kiến thức liên quan xử lý khủng hoảng truyền thông trên mạng xã hội và xây dựng thương hiệu cho một trường đại học.
Như Quỳnh chia sẻ: “Đây là dịp để gặp gỡ, giao lưu, học hỏi với các anh chị em làm truyền thông trong ĐHQG-HCM. Cách thức chia nhóm thảo luận và mọi người cùng tham gia trao đổi như vậy khiến buổi tập huấn trở nên sinh động hơn rất nhiều”.