Slogan_Đại Học Quốc Gia_vn

Tìm kiếm:
        ĐẠI HỌC QUỐC GIA                          CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH                                    Độc lập – Tự do- Hạnh phúc

         _______________                                                       ______________

   

 QUY CHẾ

VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA

TRUNG TÂM KHẢO THÍ VÀ ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO

THUỘC ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

(Ban hành theo Quyết định số 371/QĐ-ĐHQG-TCCB ngày 15 tháng 4 năm 2009; Quyết định số 126/QĐ-ĐHQG-TCCB ngày 24 tháng 02 năm 2014 và Quyết định số 272/QĐ-ĐHQG-TCCB ngày 28 tháng 3 năm 2018 của Giám đốc ĐHQG-HCM)

 CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo là đơn vị sự nghiệp công hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ trực thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM).

Điều 2. Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo có:

-         Tên giao dịch bằng tiếng Anh: Center for Educational Testing and Quality Assessment, viết tắt là: CETQA.

-         Trụ sở chính: đặt tại Tòa nhà điều hành ĐHQG-HCM - khu phố 6, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.

-         Điện thoại : (84-8) 372.42.181 - Ext. 1415;  Fax: (84-8) 372.42.162.

-         Văn phòng hay chi nhánh ở các địa phương khác khi có nhu cầu và được ĐHQG.HCM cho phép.

Điều 3.  

1. Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (sau đây gọi tắt là Trung tâm) là đơn vị sự nghiệp có thu, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được hạch toán độc lập và được mở tài khoản tại ngân hàng và kho bạc Nhà nước.

2. Trung tâm có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp, các quy định, các chế độ chính sách của nhà nước và các quy định của ĐHQG-HCM; thực hiện đầy đủ mọi nhiệm vụ được giao dưới sự chỉ đạo và quản lý của ĐHQG-HCM.

3. Trung tâm được cấp kinh phí hoạt động từ ngân sách Nhà nước, từ kinh phí của ĐHQG-HCM và các nguồn thu khác để thực hiện nhiệm vụ do Giám đốc ĐHQG-HCM giao; được ĐHQG-HCM đầu tư về nhân sự, cơ sở vật chất và trang thiết bị; được hưởng các chính sách hỗ trợ cho sự phát triển của Trung tâm.

CHƯƠNG II

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

Điều 4. Chức năng

Trung tâm là tổ chức khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục cấp ĐHQG-HCM, tham mưu và giúp việc cho Giám đốc ĐHQG-HCM thực hiện chức năng quản lý chuyên ngành về công tác khảo thí, đánh giá và BĐCLGD trong ĐHQG-HCM; thực hiện các dịch vụ công về khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục; là đơn vị chuyên trách về khảo thí tiếng Anh trong ĐHQG-HCM..

Điều 5.

1. Nhiệm vụ đảm bảo, đánh giá chất lượng:

a.       Tham mưu cho lãnh đạo ĐHQG-HCM trong việc xây dựng các mục tiêu, chính sách, quy trình, quy định và các kế hoạch cụ thể của hoạt động đảm bảo chất lượng đào tạo trong toàn ĐHQG-HCM;

b.       Giúp việc cho Giám đốc ĐHQG-HCM trong việc chỉ đạo, kiểm tra và hỗ trợ các hoạt động của các bộ phận đảm bảo chất lượng tại các đơn vị thành viên và trực thuộc ĐHQG-HCM về mặt nghiệp vụ;

c.        Xây dựng và triển khai kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực đảm bảo chất lượng với các tổ chức có liên quan trong và ngoài nước;

d.         Là bộ phận thường trực giúp việc cho Hội đồng Kiểm định chất lượng giáo dục ĐHQG-HCM trong quá trình thực hiện các kế hoạch kiểm toán và kiểm định.

đ.      Có chức năng là một tổ chức kiểm toán độc lập được Hội đồng Kiểm định ĐHQG-HCM công nhận để thực hiện đánh giá ngoài cho các cơ sở đào tạo trong và ngoài ĐHQG-HCM.

2. Nhiệm vụ khảo thí:

a.      Chủ trì xây dựng và trình Giám đốc ĐHQG-HCM ban hành các văn bản quản lý và các văn bản hướng dẫn về tiêu chuẩn khảo thí; hướng dẫn và theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các văn bản về tiêu chuẩn khảo thí sau khi được ban hành.
b. Xây dựng hệ thống đánh giá chuẩn hóa trình độ năng lực tiếng anh theo chuẩn mực quốc tế và ngân hàng đề thi phục vụ cho toàn ĐHQG-HCM. Tổ chức các kỳ thi chuẩn hóa nhằm đánh giá trình độ năng lực tiếng Anh của sinh viên theo các quy định của ĐHQG-HCM. Cấp và quản lý chứng chỉ theo ủy quyền của Giám đốc ĐHQG-HCM. Đào tạo đội ngũ cán bộ khảo thí tiếng Anh cho ĐHQG-HCM. Phát triển hợp tác quốc tế và liên kết với các tổ chức khảo thí uy tín trên thế giới. Xây dựng Trung tâm Khảo thí tiếng Anh ĐHQG-HCM thành một trung tâm Khảo thí tiếng anh của khu vực, góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín của ĐHQG-HCM, của Trung tâm trong khu vực và quốc tế. Thực hiện các nhiệm vụ cụ thể khác do Giám đốc ĐHQG-HCM giao.

c. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan giúp Giám đốc ĐHQG-HCM trong việc tổ chức, chỉ đạo thực hiện công tác thi sau đại học, đại học (gọi chung là công tác thi) và giải quyết các tồn tại, vướng mắc, phúc khảo bài thi liên quan đến công tác thi, sau khi thi của các cơ sở đào tạo và chương trình giáo dục thuộc ĐHQG-HCM:

-    Chủ trì, phối hợp với Ban Đại học và Sau Đại học đề xuất trình Giám đốc ĐHQG-HCM các chủ trương về công tác thi ở các cơ sở đào tạo thuộc ĐHQG-HCM;

-    Chủ trì giúp Giám đốc ĐHQG-HCM chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra các kỳ thi của các cơ sở đào tạo thuộc ĐHQG-HCM;

d.  Giúp Giám đốc ĐHQG-HCM thực hiện công tác tuyển sinh sau đại học, đại học, cao đẳng:

-   Tham mưu giúp việc cho Giám đốc ĐHQG-HCM trong việc ra đề thi, đáp án, thang điểm; chỉ đạo các cơ sở đào tạo công tác in sao đề thi, chấm thi tuyển sinh Sau đại học;

-   Phối hợp với Ban Đại học & Sau Đại học và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tổ chức coi thi tuyển sinh; thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Trưởng ban chỉ đạo kỳ thi tuyển sinh sau đại học, đại học, cao đẳng của ĐHQG-HCM.

e.  Chủ trì tổ chức xây dựng ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở cho việc xây dựng đề thi. Cung cấp đề thi, giúp cơ sở giáo dục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, quy trình công nghệ khảo thí; chủ trì tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ công tác khảo thí và thực hiện các hợp đồng tổ chức hoạt động khảo thí.

g.   Tham mưu giúp việc cho Giám đốc ĐHQG-HCM trong việc phối hợp với các cơ quan, các tổ chức có liên quan trong công tác khảo thí.

3. Nghiên cứu và triển khai các kết quả nghiên cứu, các kinh nghiệm trong và ngoài nước liên quan đến lĩnh vực khảo thí, đánh giá và đảm bảo chất lượng giáo dục.

4. Tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan, các đơn vị trong và ngoài nước thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về khảo thí, đánh giá và đảm bảo chất lượng giáo dục.

5.  Trung tâm đại diện cho ĐHQG-HCM tham gia vào tổ chức AUN (ASEAN University Network) trong công tác đảm bảo chất lượng giáo dục của các trường đại học trong mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á và các tổ chức khác khi được phép của Giám đốc ĐHQG-HCM.

Điều 6.

1. Trung tâm được tiến hành hoạt động liên kết và phối hợp với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo trong và ngoài nước, ký kết và thực hiện các hợp đồng về nghiên cứu,  chuyển giao công nghệ và tư vấn nghiệp vụ; được phép thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực khảo thí, đánh giá và đảm bảo chất lượng đào tạo.

2. Trung tâm được liên kết, phối hợp với các trường đại học, học viện, các cơ quan, các tổ chức khác ở trong và ngoài nước tổ chức các khóa đào tạo và bồi dưỡng thuộc lĩnh vực bảo đảm chất lượng đào tạo, các phương pháp dạy và học, kiểm tra đánh giá tiên tiến phù hợp với điều kiện môi trường giảng dạy và học ở nước ta; tổ chức đào tạo sau đại học về đo lường và đánh giá trong giáo dục theo quy định của nhà nước và của ĐHQG-HCM.

3. Được phép tổ chức các hội nghị, hội thảo, khóa huấn luyện, tổ chức các loại hình thi - kiểm tra đánh giá theo thỏa thuận với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về các nội dung nằm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo và cấp chứng nhận kết quả thi, kiểm tra đánh giá do Trung tâm tổ chức.
        4. Quan hệ hợp tác với các tổ chức khảo thí tiếng Anh trong và ngoài nước theo chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực hoạt động của Trung tâm.

Điều 7. Trên cơ sở các nhiệm vụ đã được xác định, Trung tâm chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động 5 năm, hàng năm và các biện pháp thực hiện báo cáo ĐHQG-HCM phê duyệt.

 CHƯƠNG III

TỔ CHỨC

Điều 8. Tổ chức của Trung tâm gồm có:

1. Hội đồng Trung tâm

2. Giám đốc và các Phó Giám đốc

3. Hội đồng Khoa học; các Hội đồng tư vấn khác (nếu cần)

4. Phòng Hành chính - Tổng hợp: quản lý chung về nhân sự, tổ chức - hành chính, kế hoạch - tài chính, cơ sở vật chất,...

5. Các Phòng chức năng:

     -  Phòng Đánh giá chất lượng;

     -  Phòng khảo thí;

     -  Phòng Đào tạo - Nghiên cứu khoa học - Hợp tác Quốc tế;
- Phòng Xây dựng đề thi;

- Phòng nghiên cứu phát triển

Tùy nhu cầu phát triển, Trung tâm có thể hình thành các phòng/bộ phận chuyên môn sau này.

Điều 9: Hội đồng Trung tâm

1.Hội đồng Trung tâm do Giám đốc ĐHQG-HCM ra quyết định thành lập theo nhiệm kỳ 5 năm. Hội đồng Trung tâm có 05 hoặc 07 thành viên gồm: đại diện Giám đốc ĐHQG-HCM, Giám đốc Trung tâm, thành phần khác. Chủ tịch Hội dồng Trung tâm do các thành viên Hội đồng Trung tâm bầu theo nguyên tắc đa số phiếu.

2. Hội đồng Trung tâm có nhiệm vụ:

- Quyết nghị về phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch hoạt động của Trung tâm hoặc bổ sung, sửa đổi quy chế trước khi Giám đốc Trung tâm trình Giám đốc ĐHQG-HCM ban hành.

- Hội đồng Trung tâm họp định kỳ mỗi năm ít nhất hai lần để xem xét, đánh giá hoạt động của Trung tâm. Khi cần thiết có thể họp bất thường theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng hoặc Giám đốc Trung tâm hoặc khi có trên 50% ủy viên Hội đồng yêu cầu.

Điều 10. Giám đốc Trung tâm do Giám đốc ĐHQG-HCM quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm.

Giám đốc Trung tâm:

a) Thực hiện sự chỉ đạo, giám sát và kiểm tra của Giám đốc ĐHQG.HCM.

b) Quyết định và chịu trách nhiệm tất cả các vấn đề trong xây dựng và thực hiện kế hoạch, trong quản lý lao động, trong hợp tác quốc tế phù hợp với luật pháp của nhà nước và các quy định của ĐHQG.HCM.

c) Phối hợp với Công đoàn đơn vị thực hiện quy chế dân chủ; xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ; quy định về chi thu nhập tăng thêm, tiền thưởng, sử dụng các quỹ… để thông qua hội nghị cán bộ, viên chức và tổ chức thực hiện các quy định này.

d) Tổ chức công tác kế toán, kiểm toán nội bộ, thống kê và công khai tài chính theo quy định của pháp luật; bảo toàn vốn, tài sản nhà nước đầu tư và bảo đảm sự phát triển của đơn vị.

đ) Thực hiện việc báo cáo hoạt động của đơn vị theo quy định của ĐHQG.HCM; chịu sự kiểm tra, thanh tra và có trách nhiệm cung cấp đầy đủ các tài liệu, thông tin, báo cáo theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

e) Thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự xã hội, bảo đảm an toàn, bí mật quốc gia; thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, viên chức của đơn vị và nghĩa vụ đối với nhà nước theo quy định; chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ, viên chức của đơn vị.

g) Phối hợp và tạo điều kiện để các tổ chức Đảng, đoàn thể tham gia kiểm tra, giám sát các hoạt động đơn vị.

h) Thực hiện quyền tự chủ và chịu trách nhiệm về những sai phạm xảy ra trong đơn vị; được khen thưởng hoặc phải chịu kỷ luật tùy theo thành tích hoặc mức độ vi phạm theo quy định của pháp luật.

i) Được ký các văn bản hợp tác giữa Trung tâm với các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong và noài nước, mời chuyên gia nước ngoài đến làm việc tại Trung tâm trong phạm vi pháp luật, quy định của nhà nước và ĐHQG.HCM.

k) Giám đốc Trung tâm ký các chứng chỉ, chứng nhận do Trung tâm cấp.

Điều 11.

   Phó Giám đốc Trung tâm là người giúp Giám đốc Trung tâm điều hành những công việc theo sự phân công của Giám đốc Trung tâm và chịu trách nhiệm trước Giám đốc Trung tâm về các công việc được giao phụ trách.

   Các Phó Giám đốc Trung tâm do Giám đốc ĐHQG.HCM bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Trung tâm.

Điều 12. Hội đồng Khoa học Trung tâm

1. Hội đồng Khoa học do Giám đốc ĐHQG.HCM ra quyết định thành lập theo nhiệm kỳ 5 năm. Hội đồng Khoa học gồm ít nhất 05 thành viên gồm các nhà khoa học thuộc lĩnh vực khảo thí, đánh giá và đảm bảo chất lượng đào tạo và các nhà quản lý về giáo dục, đào tạo.

Giám đốc Trung tâm là thành viên đương nhiên của Hội đồng Khoa học. Chủ tịch Hội đồng Khoa học do các thành viên Hội đồng Khoa học bầu theo nguyên tắc đa số phiếu.

2. Hội đồng Khoa học có nhiệm vụ:

- Tư vấn mục tiêu và phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch hoạt động 05 năm và hàng năm của Trung tâm.

- Hội đồng Khoa học họp định kỳ mỗi năm ít nhất một lần. Khi cần thiết có thể họp bất thường theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng hoặc Giám đốc Trung tâm.

Điều 13. Các bộ phận chức năng và chuyên môn của Trung tâm được thành lập theo yêu cầu của công việc và theo phương châm gọn, nhẹ, hiệu quả cao.

          Trưởng các bộ phận chức năng và chuyên môn của Trung tâm do Giám đốc Trung tâm bổ nhiệm và miễn nhiệm (riêng kế toán trưởng Trung tâm do Giám đốc ĐHQG-HCM bổ nhiệm và miễn nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Trung tâm).

 Điều 14. Về tuyển dụng và sử dụng nhân viên

a) Giám đốc ĐHQG.HCM phê duyệt số lượng biên chế cho Trung tâm thông qua quỹ lương theo quy định.

b) Giám đốc Trung tâm được quyền bố trí sử dụng nhân viên thuộc đơn vị phù hợp với năng lực và trình độ chuyên môn của từng người.

c) Giám đốc Trung tâm được quyền quyết định việc khen thưởng, kỷ luật đối với nhân viên thuộc quyền quản lý theo quy định của pháp luật.

d) Đề xuất với ĐHQG-HCM việc cử nhân viên thuộc quyền quản lý của Trung tâm đi tham quan, công tác chuyên môn, học tập nâng cao trình độ ở nước ngoài.

 

CHƯƠNG IV

TÀI CHÍNH VÀ TÀI SẢN

Điều 15. Trung tâm là đơn vị sự nghiệp công, được hạch toán độc lập, có tài khoản riêng. Hàng năm Trung tâm có trách nhiệm lập kế hoạch hoạt động và kế hoạch ngân sách trình Giám đốc ĐHQG-HCM phê duyệt.

Điều 16. Các nguồn kinh phí của Trung tâm

1. Ngân sách Nhà nước và kinh phí của ĐHQG-HCM.

2. Kinh phí thực hiện các đề tài, dự án do ĐHQG-HCM, các cơ quan nhà nước, các địa phương giao, đặt hàng trực tiếp hoặc thông qua tuyển chọn, đấu thầu.

3. Nguồn thu từ các hợp đồng kinh tế với các cá nhân, cơ quan, đơn vị trong và ngoài nước về nghiên cứu, triển khai, chuyển giao công nghệ, bồi dưỡng, đào tạo, thông tin, tư vấn, phản biện, giám định và các dịch vụ khác theo quy định.

4. Học phí, lệ phí từ hoạt động đào tạo ngắn hạn, dài hạn, hội nghị và hội thảo.

5. Các nguồn thu hợp pháp khác: hỗ trợ, tài trợ, viện trợ, tặng, ... của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước.

Điều 17. Các khoản chi của Trung tâm:

Trung tâm thực hiện các khoản chi theo quy định nhà nước và theo quy chế chi tiêu nội bộ của Trung tâm.

Điều 18. Trung tâm có trách nhiệm tổ chức và quản lý công tác tài chính của đơn vị theo đúng quy định của Nhà nước và của ĐHQG-HCM.

Điều 19. Trung tâm được ĐHQG-HCM giao quản lý và sử dụng tài sản của Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Tài sản của Trung tâm bao gồm: tài sản cố định, tài sản lưu động được ĐHQG-HCM giao và tài sản do Trung tâm nhận được tài trợ từ nước ngoài và tự trang bị. Trung tâm có trách nhiệm:

1. Bảo quản, sử dụng tài sản đúng mục đích và có hiệu quả.

2. Toàn bộ tài sản phải được thống kê đầy đủ và ghi sổ sách, quản lý theo quy định của Nhà nước, của ĐHQG.HCM.

3. Việc thanh lý, chuyển nhượng và điều động tài sản phải tuân theo các quy định của Nhà nước, của ĐHQG.HCM.

4. Khi kết thúc nhiệm kỳ quản lý, nghỉ chế độ hoặc thuyên chuyển công tác, Giám đốc Trung tâm phải bàn giao đầy đủ tài sản của đơn vị cho người kế nhiệm.

CHƯƠNG V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 20. Quy chế này thay cho Quy định tạm thời về Tổ chức và Hoạt động của Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng Đào tạo thuộc ĐHQG-HCM ban hành kèm theo Quyết định số 360/QĐ/ĐHQG/TCCB ngày 25 tháng 10 năm 1999 của Giám đốc ĐHQG-HCM và có hiệu lực kể từ ngày ký quyết định ban hành.

Điều 21. Trong quá trình hoạt động, Quy chế này sẽ được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tế. Việc sửa đổi, bổ sung bản Quy chế này do Giám đốc ĐHQG.HCM xem xét và quyết định.

                                                                                                                                                             GIÁM ĐỐC

                                                                                                                                                                 Đã ký 

                                                                                                                                                         Phan Thanh Bình 

                                                                                     

© 2018 Trung Tâm Khảo Thí và Đánh Giá Chất Lượng Đào Tạo - ĐHQG TP.HCM.
Powered by Web7Màu.

Địa chỉ: Phòng 403, Nhà điều hành ĐHQG-HCM, Khu phố 6, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, Tp.HCM
Điện thoại: 08.3724.2181, Số nội bộ: 1415 - Fax: 08.3724.2162
Email: ttkt@vnuhcm.edu.vn
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.6.6.0